Bánh xe lăn chậm rãi trên con đường lát đá xanh. Cơn mưa đêm qua để lại những vũng nước lớn nhỏ, bánh xe ngựa lăn qua tạo nên âm thanh kẽo kẹt vang vọng.
Lúc này trời đã tối, trên đường không còn nhiều người qua lại. Tuy nhiên, từ xa nhìn thấy đoàn xe của Thái thú, ai nấy đều vội tránh sang hai bên nhường đường. Nhờ vậy, Ngu Văn Tuấn thuận lợi trở về phủ nha mà không gặp trở ngại nào.
Cũng vì trên phố vắng vẻ, nên không ai thắc mắc vì sao đường đường là một Thái thú lại đi vào phủ từ cửa hông. Khi thấy bức tường viện hiện ra trước mắt, sắc mặt Ngu Văn Tuấn càng thêm nghiêm nghị. Ông ghìm cương dừng ngựa trước cổng hông, kín đáo quan sát con đường phía sau. Chờ chiếc xe ngựa ở giữa đoàn xe đi vào trong phủ, ông mới chậm rãi xuống ngựa, bước vào trong.
Cuối cùng cũng về đến nhà, nhiều người trong đoàn xe thầm thở phào nhẹ nhõm. Ngu Văn Tuấn vận trường bào tay rộng, hai tay chắp sau lưng, mỗi bước đi đều khoan thai mà tao nhã, mang phong thái danh sĩ đầy vẻ trí thức. Thế nhưng, khi bước đến cạnh xe ngựa, nhân lúc đi chậm lại, ông hạ thấp giọng nói với người bên trong:
“Đã đến nơi rồi, thật uất ức cho công tử.”
Rèm xe vẫn lặng im không động tĩnh, đến mức khiến người ta nghi ngờ bên trong có người hay không. Một lát sau, mới có một giọng nói lạnh nhạt vang lên:
“Ngu Thái thú khách sáo rồi. Về sau còn nhiều chuyện phiền toái, không cần phải khách khí như vậy.”
Giọng nói kia trong trẻo, êm tai, nhưng lại khiến người ta khó phân biệt là nam hay nữ. Ngu Văn Tuấn khẽ nhướng mày, hiểu ra người trong xe đang nhắc nhở ông rằng từ nay về sau không thể tiếp tục gọi là "công tử" nữa.
Nghĩ đến điều này, Ngu Văn Tuấn bất giác thở dài một hơi.
Năm nay triều đình đã đổi hai niên hiệu. Đầu năm, Minh Vũ Đế băng hà, Thường Sơn Vương nắm quyền triều chính, dưới sự bảo hộ của bè phái đã thuận lợi đăng cơ, đổi niên hiệu từ Chương Vũ thành Quang Hi.
Minh Vũ Đế là vị hoàng đế khai quốc, thuở đầu anh minh thần võ, nam chinh bắc chiến. Thế nhưng, chỉ sau ba năm xưng đế, hắn cũng không tránh khỏi chứng bệnh chung của bậc đế vương: ham mê hưởng lạc, sa đọa trong xa hoa phù phiếm, trở nên đa nghi và tàn bạo.
Thái tử tiền triều chỉ vì lén lút than phiền về thói lạm sát của Minh Vũ Đế mà bị kẻ khác tố giác, chuyện truyền đến trước mặt hoàng đế. Thường Sơn Vương là em trai cùng mẹ khác cha của Minh Vũ Đế, nhân cơ hội này cấu kết với cận thần, vu cáo thái tử oán hận phụ hoàng đã lâu, trong lòng nuôi ý phản nghịch. Minh Vũ Đế vốn tàn nhẫn hiếu sát, nghe vậy liền nổi trận lôi đình, hạ lệnh lục soát Đông cung. Kết quả, quả nhiên tìm thấy chữ "Sắc" do chính tay thái tử viết.
Chữ "Sắc" chỉ có hoàng đế mới được phép viết. Minh Vũ Đế lập tức phế bỏ thái tử, không chỉ đoạt đi vị trí Đông cung mà còn ra lệnh xử trảm toàn bộ con cháu thái tử. Chỉ trong một ngày, Đông cung – biểu tượng của thái tử – máu chảy thành sông. Duy chỉ có ấu tử của thái tử, vương gia Lăng yên tên Mộ Dung Viêm, khi đó mới mười ba tuổi, vì đang đi săn ngoài cung nên may mắn thoát nạn.
Các thuộc thần trung thành với thái tử biết chuyện, bất chấp nguy hiểm mà gửi tin đến cho Lăng Yên Vương, liều chết đưa Mộ DungViêm ra khỏi kinh thành, giấu hắn vào chốn dân gian.
Lăng Yên Vương dung mạo xuất chúng, tinh thông cung tiễn, tài trí hơn người, là đứa cháu được Minh Vũ Đế sủng ái nhất. Năm Mộ Dung Nghiêm mười tuổi, Minh Vũ Đế từng chỉ vào hắn trước mặt bá quan văn võ mà nói: "Đứa nhỏ này giống trẫm nhất." Nếu chỉ là người thường, câu này chẳng qua chỉ thể hiện tình thương của ông đối với cháu mà thôi, nhưng trong hoàng thất, lời này lại mang ý nghĩa sâu xa.
Sau khi Lăng Yên Vương mất tích, Thường Sơn Vương từng đề nghị truy bắt, nhưng Minh Vũ Đế đều lảng tránh. Cuối cùng, chuyện của Lăng YênVương cũng bị gác lại. Khắp thành Nghiệp đều biết con trai út của thái tử vẫn còn sống, cũng có kẻ muốn tìm ra hắn, nhưng không ai dám công khai hành động.
Từ mùa hè năm ngoái, sức khỏe của Minh Vũ Đế dần sa sút, nhanh chóng nằm liệt giường. Những năm gần đây, hắn buông thả trong tửu sắc, yến tiệc thâu đêm, thân thể sớm đã không chịu nổi, có lẽ chuyện này cũng chẳng có gì bất ngờ.
Thừa dịp Minh Vũ Đế bệnh nặng, Thường Sơn Vương nắm trọn triều chính, cài cắm bè phái khắp nơi. Minh Vũ Đế xưa nay yêu quyền lực như mạng, dù biết rõ mọi chuyện nhưng cũng đành bất lực.
Không biết có phải con người sắp chết thì thường hoài niệm quá khứ, khao khát tình thân hay không, nhưng trong cơn bạo bệnh, Minh Vũ Đế bỗng nhớ đến vị thái tử hiếu thuận của mình, lại nghĩ đến người cháu trai tài hoa xuất chúng. Đông năm Trương Vũ thứ tám, Minh Vũ Đế bệnh tình nguy kịch, nằm trên giường bệnh hạ một đạo thánh chỉ, phục hồi tước vị Lăng Vương cho Mộ Dung Viêm. Dù phụ thân hắn vẫn mang danh thứ dân, nhưng tước vị cùng phong ấp của hắn lại được hoàn trả nguyên vẹn như trước.
Thường Sơn Vương nhìn thấy thánh chỉ ấy thì lập tức nổi trận lôi đình. Hắn vốn đã mang lòng ghen ghét, nay lại càng thêm căm hận, liền bố trí thiên la địa võng khắp thành Nghiệp, chỉ chờ Mộ Dung Viêm quay về. Minh Vũ Đế tự biết mình chẳng còn sống được bao lâu, nhưng vì sao vẫn cố chấp truyền thánh chỉ, công khai khôi phục danh hiệu của Lăng Vương? Chẳng phải chỉ để truyền tin ra ngoài, hy vọng trước lúc nhắm mắt có thể gặp lại Mộ Dung Viêm một lần hay sao?
Thế nhưng, Mộ Dung Viêm quả thực không hổ là con cháu hoàng thất. Toàn bộ thiên hạ đều nhìn thấu dụng ý của Minh Vũ Đế, nhưng hắn vẫn lạnh nhạt như băng, không hề có bất kỳ động tĩnh nào. Hắn không về, cũng không để lộ một chút phong thanh.
Minh Vũ Đế mang theo tiếc nuối mà băng hà. Ngay sau đó, Thường Sơn Vương liền khống chế nội cung cùng triều đình, thuận lợi đăng cơ xưng đế. Vừa lên ngôi, việc đầu tiên hắn làm chính là đổi niên hiệu của tiên đế, sau đó hạ lệnh truy bắt Mộ Dung Viêm trên toàn quốc, treo thưởng trăm lượng vàng cho kẻ tố giác, ai bắt được hắn còn được ban tước ngàn hộ.
Cả triều đình lập tức sôi trào.