Đồng Hành - Bạch Điểu Nhất Song

Chương 33: Chuyện sống chuyện chết



Chỉ cần ở bên cạnh Yến Thanh Đường, là tim Túc Chinh luôn luôn nóng bừng lên. Sự tự chủ khắc chế từ trước đến nay anh có luôn dễ dàng bị cô lay động, thậm chí còn sụp đổ.

 Không biết tự khi nào, Yến Thanh Đường đã dùng tư thế ngồi khóa lên trên đùi người đàn ông, người đàn ông không cần dùng chút sức nào đã có thể nâng cô vững chãi.

Còn cô đang nắm lấy đầu ngón tay đang vân vê môi cô của anh, ngậm lấy, như thể một con thú nhỏ đang gặm cắn, ôm lấy vai anh cười khẽ trêu đùa: “Vậy có muốn nóng thêm một lát nữa không?”

Túc Chinh nào chịu được sự quyến rũ ấy, nghiêng người ra trước hôn cô lần nữa, cô dùng tay ngăn đôi môi anh lại, nũng nịu ra lệnh: “Anh nhắm mắt lại.”

Yết hầu Túc Chinh lăn trượt, cả người khô nóng muốn rồ lên, nhưng vẫn nhắm mắt lại, trao quyền chủ động vào tay cô. Khi hai cánh môi mềm mại đáp lên đôi môi anh, cô vươn đầu lưỡi ra, trúc trắc hết liếm rồi cắn, như gần như xa, so với sự cuồng nhiệt của anh thì cô chậm rãi hơn nhiều.

Với Túc Chinh mà nói, rõ là cô đang cố ý tra tấn anh mới chọn cách hôn ôn hòa như thế, vì nó làm sao mà đủ để dập tắt ngọn lửa trong lòng anh?

Cánh tay anh không nhịn được mà siết lấy eo cô, kéo cô đến gần mình một chút, làm sâu hơn nụ hôn này, cô lại đột nhiên đổi tư thế, dựa vào nơi cổ anh, đặt xuống một nụ hôn bên gáy anh, có vẻ như đang cố tình để lại ký hiệu là một dấu hôn nho nhỏ, rồi thuận thế cắn xuống vành tai đỏ rực của anh, hô hấp ấm áp phả lên trên tai người đàn ông: “Hôn đủ rồi, em muốn ngủ.”

Nói xong những lời này, cô nhanh chóng rụt về, bước xuống khỏi người anh, muốn về phòng. Mà cơn tê dại do cô khiêu khích của Túc Chinh mãi vẫn không tiêu tan, vội vã đuổi theo cô, trước khi cô vào cửa liền giữ cổ tay cô lại.

“Anh làm gì đấy?” Yến Thanh Đường biết rõ còn cố ý hỏi.

Túc Chinh áp sát cô thêm chút nữa, đẩy cô lên bức tường bên cạnh, lại nhớ ra nơi đây bám đầy bụi đất, cánh tay phải cường tráng đặt lên trên tường trước, rồi mới để cô ở trên cánh tay.

Anh cúi xuống nhìn Yến Thanh Đường, thân hình cao lớn tạo nên một cái bóng dưới ánh trăng, bao hết cả thân thể cô gái vào lòng,  anh cong nhẹ thắt lưng xuống, sáp đến bên cô khẽ khàng buông câu thỏ thẻ, lại như thể năn nỉ: “Hôn thêm cái nữa.”

Yến Thanh Đường nở nụ cười, kiễng mủi chân, hai tay quấn lên cổ anh, đặt xuống một nụ hôn bên khóe môi anh.

Nhân lúc anh còn đang bàng hoàng, cô vội giãy khỏi lồ ng ngực anh, quẳng chiếc áo khoác kia vào người anh, rồi phi nhanh hai ba bước đã vào trong phòng.

Túc Chinh đứng đằng sau buồn bả và lạc lõng, đang định chuẩn bị đi về phòng mình, nhưng một giây trước khi bước đi, anh bỗng sực tỉnh táo, nhớ ra chuyện quan trọng nhất.

Đêm nay, anh và Yến Thanh Đường…. được tính là gì?

Không có tỏ tình, không có lời xác nhận mối quan hệ, song cả hai lại hôn nhau đến say đắm khó mà tách rời.

Đây được xem là nhất thời hứng khởi của Yến Thanh Đường ư?

Túc Chinh nhất thời chìm trong mâu thuẫn, một mặt anh cũng đang dần sa vào cảm giác thân mật khi bọn họ tiến thêm một bước, đắm chìm trong đó; mặt khác anh cũng cân nhắc không được ý tứ của Yến Thanh Đường, cảm thấy mọi chuyện như trăng hoa trong nước, không khỏi lo được lo mất.

Túc Chinh thở dài thườn thượt, lúc này mới chậm rãi đi vào trong phòng.

Ai ngờ vừa tiến vào bên trong, liền thấy Lục Thừa Phong đang ngồi trên kang, làm anh hoảng sợ.

“Thức dậy đi vệ sinh thôi, anh vừa mới đi à?” Lục Thừa Phong hỏi.

Túc Chinh cởi áo khoác xuống, hàm hồ gật đầu thay câu trả lời, lại thấy Lục Thừa Phong nhìn chằm chằm mình, trong lòng không khỏi mất tự nhiên.

Nhưng Lục Thừa Phong lại chỉ chỉ vào anh, ánh mắt tràn đầy nghi hoặc: “Bên ngoài nóng đến vậy sao?”

Dù chỉ thông qua ánh trăng cũng có thể nhìn ra, anh đổ không ít mồ hôi, khiến cho tấm áo t-shirt dính chặt vào người, phần màu áo bên trên và bên dưới đã không còn như nhau nữa.

Nhưng dù anh có thể chịu nhiệt đến đâu thì cũng không đến mức độ này. Đêm nay mọi chuyện thành ra như vậy, đoán chừng là vì anh động tình với Yến Thanh Đường rồi.

Túc Chinh không đáp, Lục Thừa Phong đã rời khỏi kang, không mặc áo khoác mà đi ra bên ngoài luôn, ai ngờ vừa mới bước ra cửa đã vèo về, nhỏ giọng ‘ai u’ một tiếng: “Lạnh muốn chết, Túc Chinh, anh có phải là người bình thường không thế?”

Người có ba cái gấp, Lục Thừa Phong mang áo khoác vào rồi chạy vội ra bên ngoài.

Túc Chinh nằm trên kang, lòng nặng trĩu bầu tâm sự, trằn trọc một đêm khó vào giấc.

Sáng sớm ngày hôm sau, bà chủ và con dâu đang làm bữa sáng. Yến Thanh Đường bị đánh thức bởi mùi hương, khi đi ra thì thấy các chị đang ngồi trên một tảng đá cũ dùng dụng cụ thủ công nghiền nát hạnh nhân, rồi mài thành dầu hạnh nhân.

Hóa ra các chị đang làm một món ăn của dân tộc mang tên là “Ghiq”, Túc Chinh không biết phiên dịch sang tiếng phổ thông như thế nào, chỉ nói rằng cách làm món này vô cùng phiền phức, chỉ riêng việc mài hạnh nhân thôi cũng đã rất lâu rồi, bình thường chỉ dùng để đãi các khách quý mới làm thôi.

Giống như nhiều dân tộc thiểu số vùng Tân Cương khác, người Tajik không thể thiếu các sản phẩm làm từ sữa trong ba bữa chính của bọn họ. Ông chủ đang làm bánh naan, rót sữa vào trong bột mì.

Sau khi bữa sáng làm xong bưng lên, Yến Thanh Đường vội không chờ được múc một muôi Ghiq, theo lời nhắc nhở của cô gái, cô cho một ít dầu hạnh nhân vào giữa rồi ăn thử.

Cứ tưởng rằng nó sẽ dầu mỡ và ngấy lắm, nhưng khi nếm thử, cô chỉ cảm thấy vị ngòn ngọt của hạt vừng, thậm chí ăn một hồi, hương thơm vẫn còn đọng lại trên môi.

Lại nhìn sang Túc Chinh và Lục Thừa Phong đều đang vội vàng nhấm nháp món ngon, khen không dứt miệng.

Sau đó ba người còn uống một ly trà sữa bò Tây Tạng, vốn định lái xe đi đến bản làng tiếp theo ngay lập tức, nhưng bà chủ nhà lại giữ lại, mời bọn họ ở thêm vài ngày.

Các bản làng của huyện Taxkorgan thật ra đều na ná nhau cả, chỉ có duyên phận đặc biệt mới có thể ràng buộc được con người.

Yến Thanh Đường đã được ngắm nhìn cảnh hoa mơ hạnh nở rộ vào khoảng thời gian đẹp nhất, những bản làng sau đó hoa cũng nở gần tàn héo hết cả rồi, nên cũng không vội vã muốn chạy sang bản làng khác nữa.

Vậy là ba người đều ở lại, tiết tấu cũng thả chậm hơn rất nhiều, ban ngày nhàn nhã đi dạo bộ trong bản, nom rất thoải mái.

Yến Thanh Đường lấy máy ảnh chụp phong thổ nơi đây, thi thoảng còn tán gẫu với hai người về tình hình thời tiết, thấy Lục Thừa Phong liên thiên không ngớt, còn Túc Chinh thì càng trầm mặc hơn xưa.

Tâm tư của đàn ông khó hiểu thật đó, rõ ràng tối hôm qua vẫn còn nhiệt tình như lửa.

Nhưng ngại Lục Thừa Phong còn ở đây, Yến Thanh Đường không tiện hỏi lắm.

Đến buổi chiều, Yến Thanh Đường về lại trong sân, nhìn thấy hai chị em đang chờ mẹ của các bé, trong tay cầm chiếc mũ rất tinh xảo.

Hóa ra chị đã biết chuyện Yến Thanh Đường tặng qua cho hai bé, nên đây là món quà đáp lễ của chị.

“Đây là chị ấy vừa mới làm, vừa dịp chúng ta đến làm khách.” Túc Chinh đứng bên cạnh hỗ trợ giải thích, “Em đối xử tốt với các con của chị, nên chị muốn cảm ơn em.”

Chiếc mũ của người phụ nữ Tajik có tên là “Kuleta”, xinh đẹp và lộng lẫy tuyệt ngần, từ vòm mũ cho đến bên ngoài đều được thêu những họa tiết rực rỡ sắc màu của người Tajik, những họa tiết ấy đều do chính tay người thiết kế thêu lên, vậy nên mỗi một họa tiết trên mũ đều là độc nhất vô nhị.

Loại mũ Kuleta với mức độ dụng tâm thế này, rất hiếm tìm thấy trên thị trường, hầu như đều là do các cô gái người Tajik tự tay làm rồi tự mang cho bản thân.

Mà để làm quà tặng thì còn trân quý hơn nữa, món quà ấy hẳn đã dùng rất nhiều tâm huyết.

Yến Thanh Đường liên tục nói lời cảm ơn, vui vẻ đội mũ lên, chỉnh thể của chiếc mũ rất nhẹ, có một hàng mành màu bạc được treo trước đầu, khi đội vào, nó sẽ lắc lư nhẹ nhàng theo từng động tác của người đội, nom rất lộng lẫy và thanh lịch.

Yến Thanh Đường đội mũ lên, nhảy thẳng đến trước mặt Túc Chinh, như một chú thỏ con: “Đẹp không?”

Túc Chinh nhìn sâu vào đôi mắt Yến Thanh Đường, trong ánh mắt ấy hằn sâu những tình cảm rối loạn bí ẩn, lúc trả lời cô ngữ điệu nhu hòa hơn nhiều so với bình thường: “Đẹp, như vầng trăng Pamir vậy.”

“Vầng trăng Pamir?” Lục Thừa Phong nở nụ cười, “Bình thường thì đô con thô kệch vậy, mà bất thình lình nói tình ca cơ.”

Anh ta rõ ràng là nghe không hiểu ý tứ sâu xa của Túc Chinh, nhưng Yến Thanh Đường lại hiểu cả, bất giác khẽ cười một tiếng.

Về phần vầng trăng Pamir, đây dường như đã trở thành bí mật của riêng hai người họ.

Yến Thanh Đường lại nhớ về bản tình ca đêm hôm qua, không biết trước kia mỗi khi trực ca đêm trên tiền đồn quân sự ở cao nguyên Pamir, lúc nhìn lên ánh trăng, Túc Chinh đã suy nghĩ gì.

Chẳng là vì tối hôm qua sau khi mối quan hệ đã tiến thêm một bước, nên dường như cô càng thêm quan tâm hơn đến quá khứ của Túc Chinh, sẽ không nhịn được mà đi tìm kiếm về quá khứ của anh.

Buổi tối sau khi ăn cơm tối cùng chủ nhà xong, trạng thái của Yến Thanh Đường còn tốt hơn cả ngày hôm qua.

Cô ngồi trong nhà chơi đùa cùng ba đứa nhỏ, còn Túc Chinh thì đang dạy cô đôi ba câu tiếng Tajik, cô có thể nói cho bọn nhỏ nghe.

Sắc trời trên núi dần dần buông xuống, từng ngọn đèn trong bản làng nhỏ dần sáng lên.

Lúc Yến Thanh Đường chuẩn bị đi ngủ, chợt nghe thấy có một tiếng vó ngựa cách cô không xa vang lên, cô không quá bận tâm, chỉ nghĩ ràng nhà hàng xóm có người về muộn.

Nhưng Túc Chinh lại rất nhạy bén với âm thanh, nghe ra tiếng vó ngựa này không ổn, sân ở các hộ gia đình chung quanh không quá đông đúc, người đến đang đi thẳng về phía gia đình mà bọn họ đang tá túc nhờ.

Không lâu sau đó, tiếng thở của con ngựa dừng lại, sau đó là tiếng đập cửa vang lên, xác minh suy đoán của Túc Chinh là đúng.

Người trong nhà bị âm thanh bên ngoài làm cho bừng tỉnh, ông chủ đi ra bên ngoài, mở cửa nói chuyện với người đến.

Yến Thanh Đường nghe thấy tiếng bọn họ nói chuyện, nhưng không biết họ đang nói gì, chỉ cảm nhận ra được bầu không khí trong nhay nháy mắt trở nên rất nặng nề.

Ông chủ quay về phòng, nói lại với mọi người trong nhà về tình hình, bà mẹ trẻ trấn an ba đứa nhỏ đi vào ngủ, những người lớn còn lại đều đứng dậy đi ra ngoài sân.

Con trai út của chủ nhà đứng lên, cũng nói tin tức này cho Túc Chinh. Vậy là Túc Chinh gọi Lục Thừa Phong ra, rồi lại đi tìm Yến Thanh Đường, giải thích qua cho hai người về nguyên nhân.

Người khách phi ngựa đến nhà là tới để báo tang.

Người Tajik rất chú trọng về phương diện này. Nếu chuyện không có gì quan trọng, thì tốc độ cưỡi ngựa sẽ chậm dần khi đến cổng nhà, rồi đi vòng ra sau nhà để xuống ngựa. Còn khi xuống ngựa ở trước cổng nhà thế này, thì chỉ vào những dịp báo tin không lành hoặc tin buồn.

Trong bảng tin tang lễ, người qua đời bất ngờ là em trai của bà chủ nhà.

Tin dữ xảy ra bất thình lình khiến cho cả nhà chìm trong bi thương.

Thái độ của người Tajik đối diện với chuyện ‘cái chết’, mang một sự nghiêm túc cực kỳ đặc biệt.

Khi gia đình, bạn bè của người đã khuất không ở cùng một nơi, thì sau khi nghe được tin tang, sẽ lập tức buông hết mọi chuyện trong tay, đi thẳng đến nhà người đã khuất.

Cả đại gia đình vốn muốn cùng nhau xuất phát hết, nhưng trong nhà chỉ có một cái máy kéo, không tiện trèo đèo lội suốt, số chỗ để ngồi cũng không quá nhiều, vậy nên đang buồn rầu.

Sau khi Túc Chinh trưng cầu ý kiến của Yến Thanh Đường, bèn đề xuất dùng chiếc xe việt dã của bọn họ, có thể chở thêm được vài người. Lục Thừa Phong cũng gật đầu, nói rằng mình cũng có thể chở thêm.

Vậy là trong nhà trừ bà nội tuổi đã quá già, khó mà đi xa ra được, phải ở lại trông các cháu, thì tất cả mọi người đều chuẩn bị để xuất phát.

Ban đầu Yến Thanh Đường còn hơi do dự, nhưng khi thấy Túc Chinh và Lục Thừa Phong đều chuẩn bị đi, một mình ở lại thì rất cô đơn, bèn đi theo luôn.

Hai chiếc xe khởi hành một trước một sau, di chuyển trên cao nguyên Pamir. Sau khi chạy mọt hồi, xe dừng lại bên một dòng sông.

Ông chủ nhà nói đoạn đường sau đó xe không thể chạy đi vào được, mọi người chỉ có thể đi bộ qua. Vậy là mọi người đi qua cầu, bắt đầu hành trình đi bộ về phía trước.

Nghe người ta nói, trên cao nguyên Pamir, việc người ta phải đi bộ nguyên một ngày từ nhà này sang nhà khác là chuyện rất bình thường.

Theo con đường nhỏ gập ghềnh, phải đi bộ thêm ít nhất nửa tiếng nữa, mới có thể đến được nhà người đã khuất.

Thủ tục mai táng của người tk rất nghiêm trang và long trọng, được xếp vào danh sách những di sản văn hóa phi vật thể cấp khu tự trị đầu tiên năm 2007.

Yến Thanh Đường cũng tò mò về điều này, trên đường đi, sợ rằng mình sẽ thất lễ nên đã dùng tiếng phổ thông hỏi Túc Chinh, liền hiểu ra một phần trong đó.

Sau khi một người Tajik chết đi, phải dùng một tấm vải màu trắng nâng cằm của người chết lên, sau đó đóng mắt người chết lại, thân nhân của người chết sẽ chỉnh sửa lại vẻ ngoài của người chết, rồi lập tức cho người đi báo tin tang.

Phòng của người đã khuất sẽ được đặc biệt thu dọn thật sạch sẽ, sau đó người thân sẽ đặt người chết lên những tấm gỗ lớn được ghép lại, tắm rửa sạch cho người chết.

Tắm xong, không cho phép có người lạ ở trong này, tập tục này có tên là ‘Taiholdat’.

Nếu người chết là nữ thì sẽ được rửa sạch toàn thân, chỉnh sửa lại kiểu tóc thật đẹp, mái tóc mà dài sẽ được đặt gọn gàng ở trước ngực.

Còn nếu người chết là nam như hôm nay, thì cũng sẽ được tắm rửa toàn thân, cạo đầu.

Theo tín ngưỡng của người Tajik, lau sạch sẽ cho người đã khuất nhằm để cơ thể họ sạch sẽ mà lên thiên đường.

Sau khi lau, đầu người đã khuất được ngã về hướng Tây, được phủ một tấm vải liệm có thêu chữ “khải hoàn đi trước”.

Bên cạnh đầu và chân của người đã khuất sẽ được đặt một ngọn đèn. Quá trình an táng sẽ diễn ra trong vòng ba ngày, họ hàng thân thuộc phụ trách túc trực bên linh cữu.

Người Tajik vô cùng chủ trọng về tình cảm giữa người với người. Khi có ai đó qua đời, dù là người thân hay chỉ là bạn bè, thậm chí ngay cả hàng xóm cũng sẽ đến phúng viếng.

Nhóm người Yến Thanh Đường và Túc Chinh, cùng gia đình chủ nhà vội vã đến trong đêm hôm, cũng là tới để phúng viếng.

Bên phía tang gia cũng đã chuẩn bị xong chăn nệm, củi và gia súc. Họ cung cấp chỗ ở tạm thời đơn giản cho các khách đến phúng điếu chia buồn, còn có cơm tang cho mọi người và thức ăn cho gia súc.

Khi Yến Thanh Đường vào trong sân, cả gia đình nhà bà chủ đến phúng viếng đều đã khóc.

Những người đàn ông trong họ hàng thì ngồi xếp hàng trên mặt đất, ôm nhau khóc.

Những người phụ nữ đều đội mũ màu trắng hoặc là mang khăn trùm đầu màu xanh, nắm lấy tay nhau, ngồi trên kang khóc.

Yến Thanh Đường và Lục Thừa Phong bị tiếng khóc của bọn họ làm cho xúc động lây.

Nghe Túc Chinh giải thích, tang lễ của người Tajik có giai điệu cố định, chứ không chỉ đơn giản mỗi khóc.

Khi họ khóc, miệng vẫn còn đang lẩm nhẩm về một điệu gì đó, như thể đó là một bài ca phúng điếu dành cho người quá cố.

Bọn họ dùng phương thức khóc để kể lại toàn bộ cuộc đời người đã khuất từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, khen ngợi phẩm đức và những cống hiến của người đã khuất, để người đưa tang sẽ vĩnh viễn ghi nhớ.

Người Tajik dùng cách thức này, để biểu bày lời chúc phúc cuối cùng đến người đã khuất.

Lúc phúng điếu Yến Thanh Đường lại nhìn thấy những điếu thuốc lá Mohe mà cô đã gặp qua khi lần đầu vừa đến bản làng. Những người đàn ông Tajik đến phúng điếu chia buồn sẽ kính thuốc Mohe lên để biểu đạt sự an ủi với những người thân của người quá cố, nói rằng ‘lấy đắng dìm khổ’. Khi người thân nhận thuốc thì không còn khóc nữa, đau khổ cũng được giảm bớt đi đôi chút.

Bầu không khí bi thương bao phủ màn đêm trên cao nguyên Pamir.

Trong đêm dài đằng đẵng, những người vội vã nhận được tin tang lục tục đuổi đến.

Túc Chinh sợ ban đêm Yến Thanh Đường ngủ không quen ở chỗ ngủ chuẩn bị lâm thời tạm bợ, lặng lẽ trải tấm đệm giường của mình lên trên chiếc kang của Yến Thanh Đường, chỉ mong nó sẽ mềm hơn cho cô.

Trong sự đau thương khắp nơi, buổi sáng chầm chậm đến.

Sáng sớm ngày hôm sau, những người thân của người đã khuất bắt đầu chuẩn bị nghi lễ đưa tang.

Phương pháp chôn cất của người Tajik không giống như những dân tộc khác. Nó liên quan đến điều kiện địa lý của cao nguyên Pamir, nơi đây khắp nơi đều là đá, và cả đá khổng lồ, vậy nên làm mộ cũng từ đá.

Mọi người sẽ thu thập đủ các tảng đá lớn nhỏ với các hình dạng thích hợp, rồi cạy những phiến đá lớn trên núi mang xuống, có tảng nặng nhất cần đến mười người khiêng cùng nhau.

Mọi người cùng hợp sức lại để khiêng phiến đá đến nơi chôn cất, sau đó dùng đá để xây mộ.

Sau khi mộ được xây dựng xong đâu ra đấy, nghi thức đưa tang sắp bắt đầu.

Nhóm người thân thuộc nhất tiến lên, hôn lên tay người đã khuất, sau khi cáo biệt với người đã khuất mới bọc thi thể vào trong một tấm nỉ, dùng thang làm quan tài, trên quan tài được phủ lớp vải liệm “khải hoàn đi trước”, bốn người lần lượt khiêng lên, nâng người đã khuất ra khỏi phòng, trên đường dừng lại ba lần, và những bước trên đều có liên quan đến tĩn ngưỡng của bọn họ.

Khi đi đến khu mộ, Yến Thanh Đường mới dần ngộ ra.

Trên đường đi cô cũng từng nhìn thấy rất nhiều kiến trúc thấp bé được xây dựng từ những tảng đá này, lúc ấy trong lòng còn có hơi nghi hoặc, cứ tưởng là di tích cổ đại. Hiện tại mới biết, kiến trúc kiểu này thật ra là những ngôi mộ của người Tajik.

Mộ của người Tajik có hình chữ nhật, toàn bộ lăng mộ đều được dùng bằng tảng đá rất phẳng. Nếu người chết là nam thì mộ sẽ sâu đến phần eo, còn người chết là nữ thì mộ sẽ được đào sâu đến ngang vai.

Khi đào mộ, mọi người sẽ dùng khăn “khải hoàn đi trước” làm miệng mộ, chờ sau khi cho thi thể xuống, họ sẽ đóng mộ lại bằng một phiến đá lớn hình chữ nhật.

Các khẽ hở ở bốn phía mộ cũng sẽ được kiểm tra cẩn thận, dùng đá và cây cỏ để nhét kín, không để cho đất bên ngoài lọt vào trong mộ.

Chuyện chết như chuyện sống.

Người Tajik luôn coi trọng lễ tang, nó gởi gắm niềm thương nhớ của người còn sống dành cho người đã chết, cũng phản ánh rằng bọn họ coi trọng cuộc sống.

Ý thức tập thể của bọn họ mạnh mẽ phi thường, toàn bộ lễ tang đều có sự tham gia của đông đủ tập thể. Khi hạ thổ và lấp đất, cũng được mọi người cùng nhau làm, cùng nhau hoàn thành.

Yến Thanh Đường nhìn toàn bộ quá trình, dường như không có lúc nào mà cô không bị sự chân thành của họ làm cho cảm động.

Sau đó, khi tất cả mọi người cùng nhau đi về, Yến Thanh Đường đi đằng sau nhạy bén phát giác ra, Túc Chinh mới vừa rồi đây thôi còn như thường, ấy thế mà ngay khoảnh khắc cuối cùng, sắc mặt dường như có hơi không ổn lắm.