Đồng Hành - Bạch Điểu Nhất Song

Chương 7: Hôn lễ ở Ghulja



“Đừng sợ, cứ theo tôi”

Để gặp em

Anh vượt núi tuyết đến tìm em

Mặc cho cách xa vạn dặm

Mặc cho tốn bao sức lực

Thiên nga bơi trên sóng xanh

Mang theo ký ức nhạt nhòa

Ánh trăng chiếu lên vân sam

Chiếu sáng tình yêu mông lung

 

Trên xe vang lên ca khúc <<Mây ở hồ Sayram>> của Lý Đông Tín, đây hoàn toàn không phải là dòng nhạc mà Yến Thanh Đường thường nghe, đến khi nghe được nửa bài, cô lại thấy thê lương và phóng khoáng, cũng có một cảm giác trong veo và sạch sẽ hệt như hồ Sayram vậy.

Khi đi càng xa hồ Sayram, cô thậm chí còn hát theo:

Hồ Sayram đang chờ gió

Còn anh đang chờ em

Chờ tin em về cùng mùa xuân ấy

…..

Xuất phát từ khách sạn, đến thành phố Ghulja, lộ trình dài gần 160 km.

Đi ngang qua cầu Quốc Tử Câu, được mệnh danh là ‘cảnh đẹp đầu tiên ở Ili’, một trận tuyết xuân đã mang nơi này về lại mùa đông.

Cả cây cầu đều bị tuyết bao phủ, tráng lệ và rộng lớn, vắt ngang qua núi, kéo dài qua thung lũng hiểm trở, trên cầu đông đúc phương tiện qua lại, từ xa nhìn lại, trông họ cũng chỉ như một hạt bụi trong tuyết.

Nhìn vách đá bên dưới cầu, Yến Thanh Đường không dám mở cửa xe, tuyết Tây Bắc có lực tạt rất mạnh, cuốn từ những khe núi lướt qua cửa xe, thổi vù vù đập mạnh vào thành cửa.

Mà đoạn đường đến Ghulja, lại chuyển sang một mùa khác.

Mùa này hoa mơ hạnh ở Kazanqi đang nở rộ, ngôi làng náo nhiệt đầy hơi thở mùa xuân. Tường của những ngôi nhà địa phương được sơn màu xanh lam, màu lam thậm chí còn đậm hơn cả màu trời, đối lập với những chùm hoa mơ tây trắng.

Yến Thanh Đường đến gần, chụp bức tường lam trước hoa mơ hạnh.

Túc Chinh lại nói vẻ đẹp của Kazanqi không nằm ở bức tường màu lam này, mà nằm ở những thổ dân chăm chỉ sống sâu trong làng.

Hai người dừng chiếc việt dã lại bên ngoài làng dân tộc, Yến Thanh Đường nhanh chóng nhìn thấy những chiếc xe đạp, quét mã vào là lái được, rất tiện để băng qua những con hẻm nhõ trong làng.

Mấy giờ trước còn đang cảm nhận những làn gió tuyết băng qua khung cửa đập vào mặt,  lúc này dưới đôi chân vui vẻ là bánh xe lăn lăn, xua tan đi những cơn mệt nhọc của chặng đường dài.

Túc Chinh đi sát phía sau cô, nghe cô hỏi anh qua làn gió: “Tại sao nơi này được gọi là Kazanqi?”

Bên cạnh có người hiểu được tiếng Uyghur đúng là không tồi, Túc Chinh cũng đáp lại trong làn gió: “ ‘Kazan’ trong ngôn ngữ của người Uyghur nghĩa là nồi, còn ‘Qi’ là để chỉ một người trong ngành sản xuất. Gộp cả lại thì nó có nghĩa là thợ thủ công có nghề đúc nồi. Người dân nơi này là di cư từ miền Nam Tân Cương đến, sống dựa vào nghề truyền thống như đúc nồi.” 

Nghe Túc Chinh nói, Yến Thanh Đường còn cố ý dừng lại trước một cửa hàng thủ công mỹ nghệ, nhìn thấy bên trong bày mũ hoa thủ công, nhạc cụ, yên ngựa, tượng điêu khắc, ví da,… bọn họ mang theo quá nhiều hành lý nên sợ chiếm chỗ mà mua rất ít, chỉ đơn thuần là đi dạo thôi nhưng cũng đã rất thú vị rồi.

Nơi này tập trung rất nhiều dân tộc và các khu dân cư lâu đời, nơi đây còn có hơn 300 ngôi nhà cổ từ thời Càn Long của nhà Thanh, kiến trúc cũng dung hợp bản sắc của nhiều dân tộc.

Họ vừa đi vừa ngừng, thi thoảng nhìn những chiếc xe ngựa ‘Mã Đề’ lướt qua, cách xa thật xa vẫn còn nghe thấy âm thanh đinh đinh đang đang.

Trong ngõ nhỏ, một nhóm bác gái bác trai người Uyghur đang ngồi phơi nắng dưới hiên trò chuyện. Yến Thanh Đường đạp chậm lại, tránh một đám nhóc con đang chơi đá bóng.

Một ông cụ chừng 70, 80 tuổi, dường như là người thừa kế di sản văn hóa phi vật thể, trên đầu cụ đội một bình hoa nặng chừng hơn mười ký, trong tiếng vỗ tay cười đùa của mọi người vừa múa vừa hát.

Túc Chinh đứng bên như chỉ huy trưởng của dàn nhạc, mà Yến Thanh Đường bất giác cũng chụp thêm nhiều bức ảnh.

Khi đi ngang qua một tiệm kem, Yến Thanh Đường muốn nếm thử, Túc Chinh bèn đứng bên ngoài cửa tiệm chờ cô, sau vài phút đã thấy cô cầm kem đi tới.

“Một cái không đủ, phải ăn hai cái à?” Túc Chinh nhìn, “Coi chừng lại tiêu chảy.”

Yến Thanh Đường lại nhét một cây vào trong tay anh: “Ai nói tôi phải ăn hai cây?”

Túc Chinh vừa nhấc mi, bất ngờ khi thấy hóa ra lúc ăn cô còn nhớ mua cho anh một phần.

Song anh lại miễn cưỡng đáp: “Tôi không ăn ngọt được.”

“Vậy anh cứ giữ đi.” Yến Thanh Đường không màng đến sự từ chối cua anh, “Tôi cũng không ăn nổi hai cái đâu.”

Túc Chinh bất đắc dĩ cầm kem trong tay, nhìn Yến Thanh Đường một tay thì đẩy xe đạp, tay kia thì hưởng thụ cây kem.

Nhiệt độ bên ngoài không cao lắm, nên kem cũng không dễ tan chảy, Túc Chinh cầm trong tay thật lâu, nhìn Yến Thanh Đường đằng trước đã ăn sắp hết cây kem, cuối cùng vẫn cắn thử một miếng.

Kem rất mịn, có lẽ vì không cho thêm tinh dầu nên sẽ có vị ngọt tự nhiên hơn hẳn so với những cây kem bình thường.

Kem này ngọt, nhưng dường như cũng không phải là anh không ăn được.

Ghulja thật sự là một điểm trung chuyển rất tốt. Hai người không thể ăn nổi bữa chính, bởi vì lúc đi lòng vòng trong ngõ nhỏ, đã ăn liên tục không ít món ngon.

Dân bản xứ cũng rất nhiệt tình, khi thấy bọn họ cùng lái xe đạp đến đã chủ động mời họ vào nhà nghỉ ngơi, nhưng Yến Thanh Đường lại không quen, để Túc Chinh phiên dịch lại, nói cảm ơn rồi lặng lẽ chạy đi.

Chỉ có một chỗ là ngoại lệ.

Đến buổi chiều, họ tới một cái sân, cửa sân mở toag, bên trong truyền đến tiếng âm nhạc truyền thống của người Uyghur.

Yến Thanh Đường bị thu hút, đứng ở cửa nhìn xung quanh, trong sân chật ních người, mà nhìn trang phục trên người họ, và cả đôi nam nữ ở trung tâm được vây quanh, cô mơ hồ đoán được ở đây đang tổ chức một buổi đám cưới.

Không lâu sau họ đã được một cô gái dân tộc Uyghur đứng gần cửa phát hiện, Túc Chinh gửi lời chúc mừng đến cô ấy, mà cô gái dân tộc Uyghur lại cười trả lời lại anh mấy câu.

“Cô ấy nói muốn mời chúng ta tham gia đám cưới của anh trai mình.” Túc Chinh nói với Yến Thanh Đường.

Yến Thanh Đường định từ chối lời mời theo bản năng, nhưng thịnh tình không thể khước, cô do dự nhìn về phía Túc Chinh.

Cô rất thích việc phiêu lưu về tự nhiên, nhưng khi ở cùng với dân bản xứ, cũng vì ngôn ngữ xa lạ mà luôn duy trì khoảng cách.

Sau đó, cô gái dân tộc Uyghur lại nói với Túc Chinh một câu.

“Cô ấy nói, cô gái xinh đẹp không cần phải ngại ngùng, hãy xem nơi này như gia đình của mình.” Túc Chinh nói.

Yến Thanh Đường mới biết cô gái xinh đẹp trong miệng cô dân tộc Uyghur này chính là mình, càng không cách nào không biết xấu hổ mà từ chối, cuối cùng vẫn theo Túc Chinh đi vào trong sân.

Bên trong cực kỳ náo nhiệt, đám cưới người Uyghur có nghi thức và phong tục của riêng mình, và rõ ràng trước mắt đã là phần cuối của tập tục cưới hỏi.

Chủ tiệc nhiệt tình mở tiệc chiêu đãi khác, nấu một nồi cơm lớn, còn có cả thịt cừu nấu tay.

Chưa từng tham gia qua một hôn lễ nào của dân tộc thiểu số, nên Yến Thanh Đường ít nhiều cũng khá gò bó.

Túc Chinh dẫn cô theo, cầm ấm nước trong góc lên rót ra cho cô rửa tay, sau đó cả hai tìm được một chỗ không bắt mắt, vây quanh một chỗ cùng với các vị khách khác, hòa nhập với buổi đám cưới này.

Trên những tấm khăn trải bàn bày đầy các loại kẹo cưới đủ màu sắc và các loại trái cây sấy, những chiếc đĩa chứa đầy bánh ngọt và bánh bao chiên.

Yến Thanh Đường uống xong trà sữa lại thưởng thức một chút nho khô, cô phát hiện nho khô ở đây thật sự rất ngọt, ngọt đến mức gắt cổ họng.

Chờ đến khi cô dần dần thả lỏng, thỏa thích ăn uống cho bụng no căng, thì không lâu sau đó món cơm nắm đã được bưng lên.

Hóa ra những món vừa rồi lên trước chỉ là món tráng miệng, mà cô và Túc Chinh thì mang bụng rỗng đến, bây giờ mà ăn thêm nữa thì không khỏi có hơi khiêng cưỡng.

Túc Chinh khuyên cô nên cố gắng ăn thêm một chút, nếu không chủ nhà sẽ cảm thấy bản thân mình chiêu đãi khách không được chu toàn.

Xem ra chấp nhận nhiệt tình, có khi cũng là một ‘gánh nặng’ ngọt ngào.

Về phần này, Yến Thanh Đường áp dụng chiến lược—nhai kỹ nuốt chậm.

May mắn thay, không mất quá lâu thì các vị khách khác không còn tập trung vào chuyện ăn uống nữa.

Yến Thanh Đường nghe thấy tiếng âm nhạc ngày một lớn hơn, theo sau đó, tất cả mọi người vốn đang ngồi đều đứng dậy, bắt đầu ca hát nhảy múa. Trên gương mặt ai nấy đều ngập tràn hạnh phúc và niềm vui, những điệu múa như đưa lời chúc phúc đến cho đôi cô dâu chú rể.

Điệu nhảy của họ rất tự do, Túc Chinh giới thiệu đấy là điệu “Sainaim”. Điệu múa này có tính tự phát chẳng phân biệt bất cứ dịp nào, chỉ cần là vào ngày vui vẻ cần chúc mừng, người dân tộc thiểu số sẽ đều nhảy múa. Họ tự do nhập cuộc, phần lớn là ngẫu hứng phát huy.

Tiếng trống và nhạc vang lên, có người tự nhiên nhảy đến trước mặt Túc Chinh, mời Túc Chinh cùng nhau nhảy.

Trong ánh mắt kinh ngạc của Yến Thanh Đường, Túc Chinh bắt đầu những bước nhảy vững vàng và dứt khoác, tiết tấu thay đổi theo từng nhịp điệu của âm nhạc, như thể đã hòa thành người bản xứ nơi đây.

Trong nhịp điệu ngày một sôi nổi và hăng say, người bên cạnh Túc Chinh ngày một nhiều, trong sân không ngớt tiếng cười, không khí dần hòa hợp.

Ban đầu Yến Thanh Đường còn cảm nhận được Túc Chinh ở bên cạnh mình, cho đến khi bị người bên ngoài tách ra, càng lúc cách cô càng xa. Đang nơi xứ người, cô bỗng dưng cảm thấy một mình cô mịt mờ bối rối giữa không gian ồn ào náo nhiệt này.

Có vài thanh niên phát hiện Yến Thanh Đường đứng lẳng lặng một mình thì lần lượt đến mời nhảy, Yến Thanh Đường chỉ không ngừng lắc đầu, cô cảm thấy xấu hổ đến mức không dám đứng lâu hơn ở đây.

“Túc Chinh…” Cô muốn gọi tên Túc Chinh, cách đó không xa người đàn ông đã lách mình qua đám đông, giữ lấy cánh tay cô.

“Không muốn học thử ư?” Túc Chinh hỏi cô, thân thể của anh đã không còn đứng cứng đờ tại chỗ, mà theo điệu nhạc khe khẽ lắc lư với biên độ nhỏ.

“Tay chân tôi cứng ngắc lắm.” Hiếm có lúc Yến Thanh Đường lại lúng túng thế này, “Tôi không biết nhảy.”

Huống hồ chi còn là điệu nhảy của người Uyghur.

Yến Thanh Đường vừa thấy đã cảm giác nó vừa phức tạp vừa khó nhảy, đây đều là điệu nhảy được tạo nên từ những người thuộc dân tộc thiểu số có cái gen nhảy múa và ca hát giỏi.

“Đừng sợ, cô cứ theo chân tôi thôi.” Túc Chinh nhẹ giọng cổ vũ Yến Thanh Đường.

Anh thả chậm lại động tác, đung đưa hai tay, tự mình nhảy một đoạn, dạy cô các bước nhảy nam nữ của điệu “Sainaim”, động tác dưới chân anh rất nhẹ, toàn thân chuyển động trên làn nhạc.

Yến Thanh Đường nhìn vài lần mới đuổi kịp động tác của anh, học anh từng đoạn ngắn.

Bầu không khí là một thứ gì đó rất diệu kỳ.

Trong tiếng nhạc cưới náo nhiệt và vui vẻ, cô thật sự đã nhảy cùng Túc Chinh.

Không lâu sau, cô đã học được các bước nhảy đơn giản, thậm chí còn nhảy cùng với những người dân bản xứ ở đấy một đoạn. Có người dùng tiếng Uyghur khen cô vừa thông minh vừa hào phóng, cô dùng tiếng phổ thông nói cảm ơn, và đều nhờ Túc Chinh đứng ở giữa làm phiên dịch viên.

Cô chân chính cảm nhận được cuộc sống hằng ngày của người bản xứ, hòa nhập vào cuộc sống của họ, không còn như một lữ khách chỉ tạm thời dừng chân trong hành trình của họ, mà trở thành một thành viên.

Thậm chí bọn họ còn cùng nhau ca múa trong bữa tiệc cưới, dù cho ngôn ngữ không đồng nhất, thậm chí trước đó chưa từng quen biết, nhưng âm nhạc và vũ đạo vẫn có thể kéo họ về lại một chỗ.

Khoảnh khắc này, Yến Thanh Đường nhận ra, ý nghĩa của hôn lễ đã không còn là niềm hạnh phúc của mỗi cô dâu chú rể nữa rồi.

Mỗi một người đến tham gia hôn lễ, đều đang truyền tải niềm vui vẻ và hạnh phúc, thậm chí còn đang lan truyền và bành trướng niềm vui vẻ và hạnh phúc ấy lên, lây lan cho mọi người.

(*) Có thể tìm hiểu thêm về Mã Đề ở đây nhé: https://kimlientravel.com.vn/khu-du-lich-dan-gian-kazanqi-trai-nghiem-van-hoa-duy-ngo-nhi-doc-dao-tai-tan-cuong.html

(*) Đôi nét về làng Dân tộc của Kazanqi:

Khu du lịch làng dân gian Kazanqi là khu vực sinh hoạt sôi động của người Uyghur; là một sắc tộc người Turk sống chủ yếu ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.Làng Kazanqi không chỉ bảo tồn các kiến trúc nhà cửa và đường phố truyền thống văn hóa Uyghur mà con phố chính còn đang tiếp tục phát triển thành một khu mua sắm thương mại hiện đại. “Kazanqi” có nghĩa là “thợ thủ công có nghề đúc nồi”. Màu sắc chủ đạo của những ngôi nhà ở đây là màu xanh lam. Được mệnh danh là “Morocco” của Trung Quốc.