Người Ấy Mang Đến Áng Mây Và Bầu Trời

Chương 28



Đến xẩm tối, hai người mới đến nơi. Đó là một thôn làng nhỏ và yên ắng, khác hẳn với âm thanh ồn ào ở thành phố. Bạch Thanh Nghị xách đồ đi phía trước, Diệp Tư Duệ vừa bước theo sau vừa nhìn xung quanh. Nơi đây hầu hết đều là những nhà thấp có mái ngói, mùi khói khét thoang thoảng hơi cay.

Bạch Thanh Nghị dẫn cô đi vào một con ngõ nhỏ chỉ có vài ba ngồi nhà. Anh đưa cô đi đến cuối ngõ, dừng lại tại một căn nhà nhỏ trông cũ kỹ cũng có mái ngói, trước cổng nhà trồng một cây mẫu đơn. Cổng không khóa. Anh mở cổng rồi đi vào, gọi: "Mẹ à, con về rồi!".

Đến khi anh xách đồ để lên hiên mới có người đi ra. Một người phụ nữ trông già hơn Uông Thụy Liễu một chút, mặc quần áo rất bình thường. Bà vừa trông thấy anh liền vội vàng đi đến, nói: "Sao về muộn thế!". Tuy vậy, giọng nói của bà lại vui mừng không giấu nổi. Bà cầm vai anh, xoay người anh, ngắm qua ngắm lại rồi nói: "Lại gầy đi rồi. Có mệt lắm không? Mau vào nhà đi". Anh đáp: "Vâng".

"Kia là...".

Diệp Tư Duệ từ nãy vẫn luôn đứng một bên xem, có vẻ người phụ nữ đó là mẹ anh. Lúc này bà mới chú ý đến cô. Không để anh kịp giải thích, cô đã trả lời trước: "Cháu chào bác! Cháu là Lâm Thu Thu, bạn của anh Thanh Nghị ở thành phố. Nghe nói anh ấy về quê, vậy nên cháu cũng muốn được đi cùng để đến thăm nhà mình".



"À, vậy sao?". Bà chuyển ánh mắt nhìn Bạch Thanh Nghị. Anh quay mặt đi, giải thích: "Là bạn bè làm cùng nhau con quen được. Cô ấy không có gia đình, vì vậy muốn đến nhà chúng ta chơi". Bà hỏi: "Chỉ vậy thôi à?". Anh đáp: "Phải", rồi nhìn sang cô: "Đúng vậy không Thu Thu?". Cô gật đầu theo: "Đúng vậy. Cháu muốn đến để đón Tết cùng mọi người".

Trong nhà có một cô bé chừng mười bốn, mười lăm tuổi chạy ra, vừa thấy anh liền vui vẻ nói: "Anh họ về rồi sao? Có mua quà cho em không?". Anh liền nói: "Lần nào cũng chỉ nghĩ đến quà, đến hỏi tôi một câu "Anh có mệt không?" cũng không nói". Cô bé cười hì hì rồi đáp: "Em chưa hỏi thôi. Muộn như vậy rồi, anh mau vào trong đi, để em xách đồ cho. Bác chờ anh mãi. Ơ, kia là... bạn gái của anh à?".

Diệp Tư Duệ giật mình một cái. Bạch Thanh Nghị mắng: "Linh tinh! Bạn gái gì chứ! Là bạn bè, hiểu không?". Cô bé nói: "Anh dẫn bạn khác giới về đương nhiên làm người ta hiểu nhầm rồi. Mà biết đâu...". Anh xua tay: "Thôi, mau vào nhà đi. Ngoài trời lạnh lắm đó".

Cô bé xách đồ giúp anh, dẫn mẹ anh vào trong nhà. Anh để Diệp Tư Duệ vào trong, đi theo ngay sau cô xách đống đồ đạc còn lại. Cô hỏi: "Cô bé đó là em họ anh sao?". Anh đáp: "Phải. Nó tên Bạch Thư, là con của chú tôi, nhà ở ngay sát nhà tôi, vì vậy lúc tôi ở thành phố, nó thường qua đây với mẹ tôi, coi như chăm sóc bà ấy giúp tôi". Diệp Tư Duệ gật gù đã hiểu. Trông cô bé và anh có một chút giống nhau, có lẽ nhất là khi cười có lúm đồng tiền.

Mẹ anh tên Uông Thanh. Bà là chị gái của Uông Thụy Liễu, lớn hơn Uông Thụy Liễu hai tuổi, nhưng trông bà già hơn Uông Thụy Liễu rất nhiều. Diệp Tư Duệ cảm thấy có một sự áp lực khi đối mặt với mẹ anh. Cô đoán có thể do nét mặt của bà khiến bà trông hơi khó tính. Dù sao thì một người không phải người yêu mà đi theo về nhà người ta, chẳng phải nghe kỳ lạ lắm sao? Mẹ anh là người của thế hệ trước, nếu suy nghĩ như vậy thì cũng không có gì là lạ. Diệp Tư Duệ hợp lý hóa điều đó.

Trong nhà bày trí rất bình thường, để một bộ bàn ghế gỗ đã cũ ở giữa. Mọi người ngồi vào bàn. Bạch Thư rót hai cốc nước mới cho Bạch Thanh Nghị và Diệp Tư Duệ. Cô bé nói: "Anh họ, trên thành phố làm việc có vất vả lắm không?". Anh đáp: "Anh cảm thấy cũng không quá vất vả. Quản lý chỗ anh rất dễ tính, đồng nghiệp thân thiện. Thế còn Thư Thư, thành tích học tập ra sao rồi?". Bạch Thư khoe: "Mấy kỳ thi quan trọng em đều đứng thứ hai đó. Nhưng mà thiếu chút nữa là đứng đầu rồi". Bạch Thanh Nghị giọng ỉu xìu: "Em còn chê thứ hạng thấp? Hồi anh đi học còn may chưa đứng cuối bảng". Mẹ anh lại nói: "Mỗi đứa đều có năng khiếu đặc biệt mà. Tiểu Thư học giỏi như vậy, chắc chắn có thể đỗ đại học". Bạch Thư đáp: "Cháu nhất định sẽ đỗ một ngôi trường thật danh giá". Bạch Thanh Nghị liếc cô bé rồi nói: "Chỉ sợ trường danh giá lại không dám nhận em". Bạch Thư hiểu ý tứ, cô bé gọi Uông Thanh: "Bác, anh họ cứ luôn bắt nạt cháu". Uông Thanh giảng hòa: "Được rồi, tiểu Thư nhà chúng ta nhất định sẽ đỗ thôi. Vậy..." bà nhìn sang Diệp Tư Duệ, "Cô gái này...".



"Cô ấy tên Lâm Thu Thu", anh nhắc lại. Có lẽ bà không để ý nên đã quên rồi.

"Phải, Thu Thu, cháu với Thanh Nghị là bạn bè từ bao giờ?".

Diệp Tư Duệ đáp: "Cháu cũng không nhớ rõ, có lẽ là cũng khá lâu rồi. Hiện tại cháu và anh ấy đang làm chung với nhau, có thể tính là đồng nghiệp nữa". Cô không muốn đào sâu vào câu hỏi này, liền lảng sang chuyện khác: "Anh ấy thỉnh thoảng nhắc đến bác, bởi vậy cháu rất tò mò về bác, rất muốn được đến thăm bác". Bạch Thanh Nghị hết sức kinh ngạc. Từng câu từng chữ cô nói đều vô cùng trơn tru điêu luyện, khiến anh cũng muốn tin đó là thật.

Uông Thanh hỏi: "Thanh Nghị nhắc đến ta như nào?". Cô suy nghĩ trong giây lát, rất nhanh liền trả lời: "Anh ấy thường kể một vài chuyện trong quá khứ. Anh ấy nói, có rất nhiều điều trong cuộc sống anh học được từ bác. Ví dụ... ngăn nắp!".

Bạch Thanh Nghị không hề có ký ức nào bản thân đã từng kể những chuyện này cho cô. Anh cũng chưa từng nói như vậy với bất kỳ ai. Diệp Tư Duệ cũng hết cách. Cũng không thể nói cái lần anh kể về Uông Thanh lúc cô bị ốm được, đúng không?

Uông Thanh nhìn Bạch Thanh Nghị, thấy anh chỉ tròn mắt nhìn cô, bà bật cười nói: "Hồi nhỏ nó cũng ngăn nắp lắm. Chắc là giống bố nó".



Đột nhiên không khí trầm xuống. Mọi người đều không biết nên nói tiếp câu chuyện thế nào. Bạch Thư có lẽ cũng hiểu, vì vậy xen vào giữa yên lặng hỏi: "Chị Thu Thu, chị ở lại nhà anh họ cho đến hết kỳ nghỉ Tết luôn sao?". Bạch Thanh Nghị trả lời thay cô: "Phải. Có vấn đề gì không?". Cô bé dè dặt nói: "Em chỉ sợ anh họ phải... nằm dưới đất". Diệp Tư Duệ chưa từng nghĩ đến chuyện này. Cô không nghĩ nhà anh lại ít phòng đến thế.

Bạch Thư ngồi sát Bạch Thanh Nghị, nói nhỏ với anh, phân tích như đang giải toán: "Như vậy, nếu chị Thu Thu và anh cùng phòng, chắc chắn bác sẽ không đồng ý. Còn nếu anh nằm cùng phòng với bác, có vẻ cũng không hay cho lắm. Chị Thu Thu là khách vừa mới đến, nếu nằm cùng phòng với bác thì cũng không được. Hai người họ không thể nằm chung một giường, mà cũng không thể để một trong hai người họ nằm đất. Anh họ à, khó quá nha". Bạch Thanh Nghị nói: "Anh với Thu Thu không có quan hệ gì hết, à không, chỉ dừng lại là bạn bè. Đừng có nghĩ sang cái gì hết". Bạch Thư bĩu môi nhún vai đáp: "Em có nghĩ gì đâu? Nhưng mà trai chưa vợ gái chưa chồng cũng đâu thể nằm chung phòng với nhau như vậy, đúng không?". Anh đáp: "Tóm lại, không nằm gần nhau là được đúng không?". Bạch Thư gật đầu: "Cũng có lý. Nhưng anh nên nói cái này với bác thì hơn".

Uông Thanh quả thật là người của thế hệ trước, bà không đồng tình việc để một nam một nữ chưa vợ chưa chồng nằm cùng phòng với nhau. Nhưng nếu để Diệp Tư Duệ nằm cùng bà thì quả thật bà cảm thấy không yên tâm, cũng không thể để khách nằm dưới đất.

Anh nói: "Thu Thu... cứ để cô ấy ở trong phòng con đi". Uông Thanh lập tức nói: "Như vậy hình như hơi bất tiện cho Thu Thu". Bạch Thanh Nghị biết trước kịch bản này sẽ diễn ra, bởi vậy anh vẫn thuyết phục mẹ anh bằng lời cam kết: "Không đâu, con với cô ấy cũng đâu nằm chung một giường, à không, ý là con và cô ấy sẽ không có chuyện gì đâu. Tóm lại, cô ấy sẽ ở phòng của con. Sẽ không xảy ra chuyện gì đâu". Diệp Tư Duệ từ nãy để anh nói chuyện với mẹ mình, lúc này thấy anh liếc mắt với cô mới lên tiếng: "Phải. Chúng cháu đảm bảo". Thấy Uông Thanh còn lưỡng lự, Bạch Thư liền nói giúp hai người: "Bác, hai anh chị ấy đã nói như vậy rồi, còn có thể sao nữa chứ? Vả lại...", cô bé nói nhỏ, "Anh họ cũng sợ người ta lắm đó. Nếu cứ như thế, chỉ sợ mấy năm nữa cũng không lấy được vợ đâu. Mà ba năm nữa, anh ấy cũng được ba mươi tuổi rồi đó".

"Thôi được rồi", Uông Thanh bất lực, "Muốn sao thì làm vậy đi". Rồi bà đứng dậy, nói: "Ta đi nghỉ ngơi trước. Mấy đứa cũng lo mà nghỉ ngơi đi, đi cả ngày cũng mệt rồi". Đến khi bà vào phòng rồi, Bạch Thư mới đứng dậy nói: "Thôi, em cũng phải về đây. Chào anh chị!". Diệp Tư Duệ vẫy tay chào cô bé. Bạch Thanh Nghị nói: "Về cẩn thận đấy nhé!". Bạch Thư chạy ra cổng vẫn nói vọng lại: "Anh, nhớ lì xì cho em gấp đôi năm ngoái đó". Cánh cổng đóng lại vang lên tiếng lạch cạch. Bóng dáng cô bé cũng khuất hẳn.