Người thân nhân đã yêu cầu như thế thì tất nhiên Bạch Du phải thỏa mãn.
“Được được được, dì đừng gấp, từ từ nói.”
Thế là người thân nhân lại nói tiếp. Lần này người thân nhân kể chi tiết, cặn kẽ hơn rất nhiều, thiếu điều muốn kể cả chuyện con trai hồi ba tuổi đái dầm để vẽ Liên Hoàn Hoạ.
Bạch Du cũng không cản mà để cho dì ấy nói mãi, cô chỉ ghi lại một vài sự kiện quan trọng.
Nhưng mà dì ấy nói nhiều quá, vốn dĩ cô định sáng nay sẽ phỏng vấn ba gia đình ở xưởng đóng hộp này, nhưng mà các thân nhân thì người này kể nhiều hơn người kia, cứ thế kéo tay cô kể lể hết buổi sáng tới buổi chiều, bữa trưa cũng giải quyết luôn tại xưởng đóng hộp.
Đến cả đầu bếp Diêu ở tiệm cơm cũng múc cho cô rất nhiều thịt, bóng gió nói: “Đồng chí Bạch này, chỗ tôi cũng có rất nhiều những câu chuyện vĩ đại có thể vẽ thành Liên Hoàn Hoạ đó.”
Bạch Du: “…”
Lúc cô bước ra khỏi xưởng đóng hộp đã gần giờ tan làm, không kịp đi những công xưởng khác để thu gom tài liệu nên cô đi về tòa soạn.
Về tới phòng làm việc, cô sửa những câu chuyện của ba gia đình kia thành văn bản, nêu bật những ý chính rõ ràng mạch lạc.
Liên Hoàn Hoạ khác với viết văn, cô không thể biểu hiện hết tất cả mọi thứ nhưng lại phải để cho người xem hiểu được câu chuyện bên trong nó là như thế nào, đồng thời được truyền cảm hứng từ câu chuyện trong tranh, cho nên thể hiện trên tranh như thế nào còn khó hơn khi cô phỏng vấn nữa.
Cô còn chưa làm xong thì thợ cả Ngũ đã quay lại.
Vẻ mặt của ông ấy khá mệt mỏi, Bạch Du thấy thế thì vội đứng dậy rót cho ông ấy ly nước: “Hôm nay thợ cả Ngũ phỏng vấn thế nào rồi ạ?”
Thợ cả Ngũ cảm ơn cô rồi cầm ly nước lên uống, sau đó mới nói tiếp: “Không được tốt lắm. Chú chạy tới ba, bốn công xưởng nhưng họ không cho chú vào, sợ chú phỏng vấn sẽ làm chậm tiến độ sản xuất.”
Ông ấy nói hết lời nhưng không một người phụ trách nào đồng ý.
Bạch Du ngẩn cả ra, cô không ngờ những công xưởng khác lại từ chối phỏng vấn.
Nhưng nghĩ lại thì cũng đúng thôi, vốn bọn họ cũng không thích thú gì với chuyện xóa mù chữ này. Trong mắt họ, phỏng vấn tương đương với làm chậm tiến độ sản xuất nên tất nhiên họ sẽ không đồng ý cho thợ cả Ngũ đi vào.
Sở dĩ xưởng đóng hộp đồng ý vì trước đó họ đã xem bảng tin mà cô vẽ, sau đó bảng tin đó được chuyển qua cho cán sự Trần. Mặc dù cán sự Trần có học vẽ chung với cô một khoảng thời gian, nhưng chuyện vẽ vời này không phải chạm cái là tới đích.
Nói cách khác, bảng tin của cán sự Trần lấy văn chương làm chủ, cho nên các công xưởng khác sau khi tới thăm, học tập xong thì cũng không thay đổi cái nhìn với chuyện xóa mù chữ chút nào.