Thanh Hoa Bắc Đại FULL

Chương 2



Thanh Hoa Bắc Đại (2+3/23)

2.

Buổi tối, sau khi kết thúc buổi tự học, về đến nhà, chào đón tôi trước hết là tiếng những ly thuỷ tinh rơi xuống đất vỡ nát, từng tiếng rời rạc, mệt mỏi.

Dượng tôi mặt hằm hằm như chuẩn bị giết người: “Trả tiền cho tao!”

Tôi hơi giật mình vì cảnh tượng trước mặt. Có lẽ vì đã lâu không thấy lại cảnh này chăng?

Mẹ tôi cúi đầu, lặng im thin thít, không nói một lời.

Từng ký ức vụn vỡ cứ như thước phim tua nhanh, lướt qua trong đầu tôi.

Sau kỳ thi thử hàng tháng, mẹ thấy điểm số của tôi tụt dốc không phanh, đã lén lút nhét cho tôi vài đồng tiền, bảo tôi tìm thầy cô nào dạy tốt mà đi học thêm.

Nhưng sự lén lút ấy của bà không giấu được lâu, dượng tôi nhanh chóng phát hiện ông bị mất tiền.

Dượng tôi phản đối rất gay gắt việc tôi đi học thêm ở ngoài, cho rằng nó rất tốn tiền và chẳng được cái ích lợi gì cả. Mẹ tôi biết thế, sợ dượng biết chuyện sẽ điên lên đánh tôi nên bà đã tự nhận hết lỗi lầm về mình.

Năm ấy, dù biết sự thật nhưng tôi cũng không hề giải thích hay bênh vực mẹ. Tôi cãi nhau một trận to với dượng, hậm hực bỏ nhà đi nửa tháng.

Nhưng nực cười thay, tôi bỏ đi như thế, họ cũng chẳng buồn quan tâm, không đi tìm tôi, không quan tâm đến sự sống, cái chết của tôi.

Và vì lần đó mà việc học của tôi bị gián đoạn một thời gian rất dài.

Sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học kết thúc, mẹ tôi mang thai. Nhưng dẫu thế, tôi vẫn kiên quyết không bước chân vào ngôi nhà đó nữa, dù chỉ nửa bước.

Khi tôi đỗ nghiên cứu sinh của Đại học Bắc Kinh, dượng tôi lại mặt dày tìm đến tôi để vay tiền… Suy cho cùng, mối quan hệ của chúng tôi tuy gọi là “cha dượng, con nuôi”. Thế nhưng nếu viết tắt thì sẽ gọi là “tiền”.

Tôi hít một hơi thật sâu, mở cặp sách, lấy ra phong bao tiền mà mẹ đưa cho tôi, đặt lên bàn uống nước.

"Trả cho chú ạ." Tôi bình thản nói.

Dượng thấy thế thì hơi sửng sốt. Sau khi đếm đủ số tiền, ông quay sang trợn mắt, đay nghiến tôi: “Còn có lần sau thì tao đánh gãy chân mày!”

Phớt lờ lời nói của ông, tôi bình tĩnh đi ngang qua trước mặt người mẹ nhu nhược của tôi rồi đẩy cửa vào phòng.

Nhìn quanh phòng, tôi lặng lẽ gỡ tất cả mấy tấm áp phích, poster thần tượng dán đầy tường xuống, cất gọn mấy món trang sức, quần áo loè loẹt vào tủ, đóng kín lại. Tôi xé một tờ giấy nháp, cẩn thận viết lên năm chữ “Nhất định phải đỗ Bắc Đại" rồi dán lên trước bàn học.

Sau đó, tôi lại mở ghi chú ra xem lại mấy bài làm sai rồi chăm chú sửa bài đến tận đêm muộn.

Đêm ấy, tôi an tâm ngủ thiếp đi. Cảm xúc hân hoan, hưng phấn đến lạ kỳ vẫn dâng ngập trong tim.

Trong giấc mơ của tôi, bầu trời Bắc Kinh tháng chín chưa bao giờ lại xanh thẳm và rộng lớn đến thế.

3.

Ngày hôm sau, khi tôi bước vào lớp, tiếng cười đùa rôm rả mỗi sáng sớm bỗng dưng biến mất. Cả lớp im bặt, trố mắt nhìn tôi.

Tôi bình thản, tự nhiên như chẳng có chuyện gì, ngồi vào chỗ.

Lý Tĩnh Thu nhìn tôi, kinh ngạc đến mức cằm sắp rơi xuống đất luôn được.

"Tô Huân, cậu bị sảng rồi à? Tóc cắt ngắn, mặt mộc không son phấn, lại còn mặc đồng phục?!”

Tôi quay sang nhìn cô bạn, vui vẻ hất mái tóc ngắn ngang vai ra sau, nháy mắt: “Trông không xinh à?”

"Ơ… xinh, đương nhiên là xinh."

Tôi mở sách giáo khoa Văn, lơ đễnh đáp lại: "Ừ, xinh là được rồi."

Thầy Lưu chủ nhiệm của tôi tuy lúc nào cũng quát nạt tôi, nhưng tôi thấy thầy có một câu nói rất đúng: Học sinh cấp 3 thì nên có dáng dấp tươi trẻ, trong sáng của học sinh cấp 3.

Những thứ mã ngoài loè loẹt, hầm hố, khoa trương chỉ tổ trì hoãn, làm hỏng kế hoạch vào Bắc Đại của tôi mà thôi.

Nhẩm học thuộc bài thơ cổ, tôi bỗng nhiên nhớ ra một điều, quay người xuống gõ gõ lên bàn Tống Tri Diên.

"Học bá này, hôm qua cậu giảng câu đó làm tôi hiểu bài lắm luôn. Cảm ơn cậu nhé.”

“Không có gì…” Tống Tri Diên nhìn tôi vài giây rồi thản nhiên đáp lại, cúi đầu tiếp tục luyện đề.

Chậc, chậc… học bá không hổ là học bá, một giây một phút cũng không muốn lãng phí.

Tự nhủ mình cũng phải học theo, tôi quay lại tiếp tục học thuộc thơ.

Cứ như thế, thấm thoát một tuần đã trôi qua.

Ánh mắt mọi người nhìn tôi lúc này đã thay đổi rất nhiều. Ban đầu là ngạc nhiên, khó hiểu. Nhưng sau, vì thấy nhiều quá nên cũng dần quen với hình ảnh Tô Huân chăm chỉ học hành.

Ngay cả thầy Lưu cũng không có lý do gì để mà quát tôi nữa.

À khoan, dừng khoảng chừng là hai giây. Không phải là thầy hoàn toàn không tìm ra lý do để mắng tôi nữa. Thật ra vẫn có đấy…

Hôm nay, đang trong giờ toán, thầy Lưu bỗng nhiên gọi tôi đến văn phòng.

"Biết vì sao tôi gọi em tới không?” Thầy Lưu hỏi tôi.

“Em không biết..."

Thầy có thể đừng vòng vo mà lao trực tiếp vào vấn đề không? Huhu, tôi còn rất nhiều bài vẫn còn chưa hiểu mô tê gì, bỏ lỡ tiết Toán là đêm nay lại phải thức trắng…

Thầy đen mặt, lấy trong ngăn bàn ra một bó hồng đỏ chót.

Bó hồng này… ờm, màu hơi loè loẹt, hơi nhức mắt.

"Hoa được đặt giao đến trường bị bảo vệ giữ lại. Là Lữ Tu lớp 12A6 mua, nói là tặng cho bạn gái, Tô Huân lớp 12A1.”

Dù không phải giải Toán nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi nhức đầu.

Thầy Lưu đập bàn: "Đã học lớp 12 rồi, còn đua đòi những thứ vô dụng này! Trường học là nơi để em đến yêu đương đấy à? Không nói nhiều nữa, gọi phụ huynh của em tới gặp tôi!”

"Em thề sẽ không có lần sau ạ, thầy có thể không gọi…”

“Không thể!"

Không còn cách nào khác, chỉ có thể gọi mẹ tôi đến.

Bởi vì chuyện lần trước, mẹ vẫn luôn thấy có lỗi với tôi. Nói chuyện với thầy xong mẹ cũng không mắng tôi, chỉ dặn dò tôi phải tập trung học tâp.

Gọi phụ huynh xong, thầy Lưu bảo tôi ở nhà kiểm điểm bản thân một tuần, khi nào giác ngộ lý tưởng thì mới được đi học.

Aissh, lại rắc rối rồi đây.

Có thể trở thành nghiên cứu sinh của Bắc Đại, tôi tự nhận thấy khả năng tự học của mình rất ổn. Thế nhưng bây giờ đang trong giai đoạn học và ôn, nếu nghỉ một tuần, tôi sợ sẽ bỏ lỡ kiến thức trọng tâm có trong đề thi đại học.

Quay về lớp học dọn sách vở, tôi vắt óc nghĩ cách để không thành người tối cổ.

Trong lớp, người thân thiết nhất với tôi có lẽ chỉ có Lý Tĩnh Thu. Nhưng thành tích cô ấy không ổn, càng không phải người mà tôi có thể nhờ vả chuyện học tập.

Nhìn quanh lớp, tầm mắt tôi đáp xuống vị trí của Tống Tri Diên, kẻ lúc nào cũng đứng nhất khối, lúc nào cũng thấy cắm cúi giải đề.

"Học bá này." Tôi gõ gõ bàn, đưa cho cậu ấy một mảnh giấy ghi chú.

Cậu ấy ngẩng đầu, khó hiểu nhìn tôi.

Tôi cong môi cười, nói: “Lưu số điện thoại của tớ và cho tớ số cậu để liên lạc nhé."