Thỏa Thuận Yêu Đương

Chương 2: Bà Ngoại Diệt Tuyệt



Thoại Uyên không biết Hoàng Phi đang âm thầm nhận xét không hay về mình. Trong đầu cô lúc này chỉ đang nghĩ làm sao để hợp tác với người thanh niên trước mặt phá vỡ âm mưu của bà ngoại. Hôm nay trời thương khiến cô giáo bận việc nghỉ tiết cuối và may mắn cô không theo bạn đi chơi, nên về nhà nghe được âm mưu động trời.

Ngoại định ép gả cô cho người cháu bạn thân của bà. Cô chỉ mới học năm thứ hai, đâu muốn lấy chồng sớm. Nhưng ngoại quá bá đạo, trước giờ luôn mặc định ai cãi bà đều sai. Bằng chứng là mẹ vì không nghe lời bà kết hôn với ba, nên mới bị tình phụ. Chị gái cũng cãi bà đến với anh rể, nên giờ là mẹ đơn thân. Dì út cũng không nghe lời, nên ế tới giờ này.

Ngoại không chịu nói lý, không thừa nhận là do bà ngăn cấm út yêu người ta và chú đó không đợi được mới đi lấy vợ. Ngoại lại quy chụp rằng bà nhìn người không sai. Người đó không yêu út nên mới bị cấm đoán một tí đã vội vàng từ bỏ. Ngoại không hiểu là thời đại này đâu ai kiên nhẫn. Vả lại chờ đến khi bà hồi tâm chuyển ý có mà hết đời. Hơn nữa với kiểu người Diệt Tuyệt sư thái như ngoại thì khả năng có được sự chấp nhận của bà còn khó hơn lên trời. Thôi thì đi lấy vợ cho nó lành. Chỉ tội út vì buồn đời nên ở giá đến giờ.

Ở nhà Thoại Uyên, mệnh lệnh của ngoại được xem là thánh lệnh. Ngoại nói A chẳng ai dám cãi B. Người có thể giao tiếp được với ngoại là bé Bo con chị hai. Thằng nhóc ba tuổi nhưng có khả năng đối ngoại cực tốt, có thể khiến cho bà đang từ trạng thái giận dữ điên cuồng chuyển sang cười tươi rạng rỡ ngay lập tức. Nó thỉnh thoảng có thể trở thành anh hùng của mấy người bọn cô.

Tiếc rằng chuyện ép duyên quá vĩ đại, nên thằng nhỏ không có khả năng cứu Thoại Uyên trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng nảy, cô đành phải tự nghĩ đối sách. Trưa nay khi nghe ngoại muốn gả mình cho cháu trai Việt kiều của bạn, mẹ và dì út đã giúp cô trần tình với lão Diệt Tuyệt, tiếc là đại công bất thành.

Thoại Uyên còn nhớ toàn cảnh cuộc đối đầu giữa hai phe hôm nay. Phe cánh tả chỉ đơn độc một mình ngoại nhưng sức chiến đấu thật dũng mãnh, ép phe cánh hữu của mẹ và dì út không còn manh giáp. Câu chuyện gay cấn không thua gì mấy bộ phim cuộc chiến công lý của Hồng Kong mà Thoại Uyên đã từng xem.

Lúc nghe giọng đanh thép của ngoại vang lên với khí thế hừng hực như đang làm cuộc tổng tiến công, Thoại Uyên hết hồn bèn nhẹ nhàng dựng chiếc Mio ở góc khuất sân vườn, rồi rón rén nép gần cửa phòng khách nghe bà tuyên bố xanh rờn, báo hại cô run chân xém chút khụy xuống:

"Mẹ sẽ gả bé Uyên cho cháu trai của bà Hảo. Nhà bên đấy gần chúng ta và có mối quan hệ rất thân thiết. Bé Uyên làm dâu cũng không quá khổ sở."

"Bé Uyên chỉ mới học năm thứ hai mẹ đã vội ép uổng. Vả lại cháu bà Hảo ở nước ngoài, sao mẹ nỡ nào gả nó xa như vậy." Dì út phản ứng trước tiên, trong khi mẹ vẫn còn bàng hoàng vì lời tuyên bố của bà ngoại Diệt Tuyệt.

"Sao con lại bảo là mẹ ép uổng?" Giọng ngoại cao vút: "Mẹ luôn muốn tốt cho con cháu của mình, vậy mà bây cứ chống đối mẹ. Trước giờ tại bây không nghe lời nên mới xảy ra cớ sự, giờ còn chưa chịu thức tỉnh nữa sao?"

Dì út không phục: "Hôn nhân của chị hai và con Khanh gãy đổ một phần cũng do mẹ quá khó ở. Anh rể với cháu rể không chịu nổi mới ly hôn. Mẹ trước giờ quen ra lệnh cho cấp dưới và cũng áp dụng với tụi con mà không nói lí lẽ."

Mấy lời này không hề nghi ngờ đã đụng đến họng súng của ngoại, cho nên một tiếng nổ lớn đã xảy ra. Bà ngoại vỗ tay lên bàn cái rầm, ly tách trên đó va vào nhau tạo ra một bản giao hưởng vô cùng đinh tai nhức óc.

Thoại Uyên đứng bên ngoài vỗ nhè nhẹ con tim tội nghiệp của mình, để nó ngừng đập điên cuồng. Không khí bên trong vẫn đang vô cùng căng thẳng. Mẹ thuộc trường phái yêu hòa bình, nên cố gắng làm dịu tình hình:

"Mẹ ơi bình tĩnh đi ạ! Bé Uyên vẫn chưa học xong, đâu cần vội lấy chồng. Vả lại trước giờ mẹ đều muốn tụi con ở gần, sao lần này lại ép bé Uyên lấy chồng xa xứ, như vậy tội con bé."

Bốn chữ lấy chồng xa xứ dường như đánh động đến tâm tư ngoại. Có lẽ bà liên tưởng đến mấy ca từ "lấy chồng xa xứ biết khi nào về" trong một bài hát bolero nào đó rất thảm sầu, nên khựng lại vài giây. Nhưng kiểu người của Diệt Tuyệt không bao giờ để ai dẫn dắt, thế là lại lên gân:

"Xa cái gì mà xa? Ở Mỹ thôi, muốn về thì bay một chuyến. Cùng lắm chúng ta sang thăm con bé. Vả lại bà Hảo về Việt Nam ở luôn. Bé Uyên cũng chưa chắc sẽ qua đó. Con bé có thể ở với bà Hảo bên này, chỉ cách chúng ta vài căn."

Dì út nhịn không được lại nhảy dựng: "Mẹ nói cái gì bé Uyên có thể ở với bà Hảo? Bộ nó lấy bà Hảo hay sao? Chồng nó ở bên trời Tây, nó lấy chồng phải theo chồng. Mẹ có bị làm sao không?"

Lời của út khiến cơn giận vừa xẹp xuống của ngoại lại bộc phát trở lại. Bà ngoại hét vang: "Con dám ăn nói với mẹ như vậy hả út? Cho dù con Uyên theo chồng thì đã sao? Người là do mẹ chọn, tư cách phải tốt hơn để con bé tự tìm. Mẹ đã quyết định!"

Thoại Uyên rất muốn chạy vào phản đối nhưng không có can đảm. Bà ngoại Diệt Tuyệt bắt đầu xử dụng chiêu thức cũ mặc định lời của mình là chân lý để ép người. Dì út và mẹ vẫn đang tiếp tục đấu tranh vì hạnh phúc nửa đời sau của con gái và cháu gái.

"Con không đồng ý mẹ ép bé Uyên như vậy. Con bé vẫn còn đi học. Chẳng phải mẹ luôn bảo nó phải tập trung học, không được yêu đương lung tung sao? Vậy mà giờ mẹ vội muốn gả nó."

Dì út dùng lời của ngoại phản pháo lại khiến bà bị đứng hình mất một giây. Nhưng ngoại là ai? Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn của phái Nga Mi thì còn lâu mới sợ giang hồ. Giọng ngoại cao vút:

"Ai cho con hét vô mặt người lớn thế hả? Mẹ có dạy con phép tắc như vậy không út?"

Mấy lúc dầu sôi lửa bỏng này không cần biết phép tắc gì cả. Dì út tức tối: "Tại mẹ đòi ép gả bé Uyên cho người xa lạ. Mẹ có hỏi liệu con có bé muốn hay không?"

"Đây không phải là chuyện nó muốn hay không. Mẹ đã quyết định rồi."

Dì út bất nhẫn nên tiếp tục giúp cháu gái đấu tranh tới cùng: "Bé Uyên có quyền quyết định chuyện chung thân đại sự của đời. Mẹ không thể lấy quyền làm ngoại rồi ép nó kết hôn với người không quen biết."

Mẹ cũng phản đối dù âm sắc hơi run: "Con đồng ý với út Thanh. Dù sao bé Uyên cũng đang đi học, mẹ đừng làm cháu phân tâm."

Hai người cùng công kích một lượt khiến ngoại tức muốn thổ huyết. Trước giờ bà là nữ tướng độc tài, một đám nhân viên dưới quyền có ai dám cãi. Mẹ cũng luôn răm rắp nghe lời. Dì út thỉnh thoảng nói lại vài câu nhưng không đến nổi căng thẳng. Hôm nay không biết đụng trúng cái gì mà ra sức chống đối. Có lẽ thương tiếc cho Thoại Uyên, tự nhiên bị ép lấy người chưa bao giờ gặp mặt.

Cuộc chiến căng thẳng không có hồi kết. Ngoại độc đoán rằng mình đã quyết và đã đồng ý với bà Hảo sẽ cho Thoại Uyên và tên cháu trai nào đó gặp nhau. Chờ sau khi cô học xong sẽ kết hôn. Bà không quan tâm cảm nhận của Thoại Uyên, dù cô có ưng người ta hay không thì chuyện cũng đã được định đoạt.

Mẹ và dì út cố gắng giành công lý giúp Thoại Uyên, nhưng càng nói thì cơn giận của ngoại càng vượt qua mức báo động, có thể trở thành bão lớn thổi bay mọi người bất kỳ lúc nào. Giờ không có bé Bo ở nhà, nên không ai ngăn chặn được trận cuồng phong của ngoại.

Thoại Uyên biết chuyện đã được thông qua, có cãi cũng không thay đổi được tình thế. Nhưng mà cô uất ức ghê gớm. Ngoại không cần biết cô có thích người thanh niên đó hay không, chỉ cần học xong sẽ kết hôn. Thoại Uyên tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu gã kia không ưng cô?

Có phải nếu người ta không thích cô thì chuyện hôn nhân sẽ bất thành đúng không? Vậy cô chỉ cần làm cho người ta chán ghét để từ chối kết hôn. Hoặc cô nên thương lượng với anh ta đồng tâm phá vỡ mối lương duyên nhàm chán này, xem như đời cô đã được cứu.

Thoại Uyên không muốn lấy chồng Việt kiều và cũng chưa từng có suy nghĩ sống xa gia đình. Bất thình lình ngoại quăng một quả bom, cô đương nhiên không đỡ nổi. Với lại dại gì đỡ, lỡ tan xác thì sao. Trước giờ Thoại Uyên cũng đâu dám chống đối bà. Mẹ, dì út và chị hai đã nổi loạn không thành công, cô đâu có ngu mà đi theo con đường cách mạng không lối thoát đó.

Thoại Uyên nhát gan nhưng được cái thông minh. Không đánh trực diện được thì cô đánh lén hoặc đánh du kích. Cô không dám đối đầu với ngoại thì thử ngả bài với người thanh niên kia để phá tan chuyện ép hôn này. Thoại Uyên có một niềm tin mãnh liệt rằng người ta mang mác Việt kiều và là cháu nội của bà Hảo, bối cảnh hoành tráng như vậy chắc sẽ có nhiều con gái đẹp chạy theo.

Anh ta sẽ không thích con nhóc hỉ mũi chưa sạch như mình. Tự nhiên Thoại Uyên thấy may mắn khi không được sắc nước hương trời như người ta. Chắc chắn gã kia sẽ chán ghét mình. Nếu ai biết suy nghĩ của Thoại Uyên lúc này chắc tưởng cô bị thần kinh. Làm con gái mà hy vọng con trai chán ghét, và còn âm thầm may mắn khi bản thân không xinh xắn.

Mà Thoại Uyên cũng không có tâm tư đi quản suy nghĩ của người khác về mình. Việc chính của cô bây giờ là phải nghĩ cách nói chuyện với người ta trong hòa bình. Hợp tác làm sao đánh tan âm mưu của bà ngoại Diệt Tuyệt, mấy cái khác không còn quan trọng nữa rồi.